Triều đình Nhà Nguyễn (1802-1945) có 13 vị vua, nhưng vì nhiều lý do lịch sử khác nhau, nên hiện nay ở Huế chỉ có 7 khu lăng tẩm. Đó là lăng tẩm của các vị vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Đồng Khánh và Khải Định. Tất cả những khu lăng tẩm này đều nằm về phía tây của Huế.
Ngày xưa các vị vua triều Nguyễn đều có chung quan niệm, chết chưa phải là hết. Có lẽ vì vậy mà lăng tẩm không phải là chốn mộ địa u buồn, đó là những công trình kiến trúc giàu tính nghệ thuật, xuất phát từ quan niệm “sinh ký tử qui” (sống gửi thác về). Vào thăm lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn, ta như thấy được hòa quyện với thiên nhiên, có cảm giác lâng lâng giữa thực và mộng.
Trong biết bao gian nan để làm nên nghiệp lớn, nhưng theo quan niệm cái sống hiện tại chỉ là tạm bợ, chính vì những ý nghĩa đó mà trong tột đỉnh vinh quang, vua Gia Long vẫn muốn tìm kiếm cho mình một ngôi nhà vĩnh hằng sau cái chết. Đặc biệt tại khu lăng tẩm này, có hai ngôi mộ luôn song hành bên nhau. Đó là mộ của Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu và mộ của vua Gia Long, hai con người đã từng chia ngọt sẻ bùi khi còn sống và bây giờ nằm cạnh nhau để đi vào giấc ngủ nghìn thu.
Chọn đất mai táng vợ
Sử cũ chép lại, thầy địa lý Lê Duy Thanh (con trai nhà bác học Lê Quý Đôn) là người tìm được thế đất ở làng Hương Thọ, thuộc huyện Hương Trà bên tả ngạn sông Hương cách kinh thành 12 km về phía tây, nơi mà theo ông “đã tập trung được mọi ảnh hưởng tốt lành tỏa ra từ nhiều núi đồi bao quanh”, nơi mà “ảnh hưởng tốt lành sẽ còn mãi mãi trong suốt 10 ngàn năm”. Tuy vậy, trước khi khởi công, nhà vua đã sai Hoàng Tử thứ 4 bói thêm một lần nữa thì được quẻ “Dự” với lời chiêm rằng: “Đại hanh cát” nghĩa là rất tốt và hanh thông bèn cho xây dựng và gọi là lăng Thiên Thọ.
Vua Gia Long |
Tên gọi lăng Gia Long hiện nay thực ra là để chỉ cả một quần thể lăng tẩm của nhiều người trong hàng quyến thuộc của nhà vua, với trọng địa là khu lăng mộ của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Quá trình xây dựng lăng diễn ra trong 6 năm (1814-1820), bắt đầu từ thời điểm bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (chính phi của vua Gia Long) qua đời vào ngày 21-2-1814. Nhà vua đã sai các quan trong Khâm Thiên Giám đi chọn đất để mai táng vợ mình. Về sau phát triển thành một khu lăng mộ rộng lớn tập trung nhiều lăng mộ trong hàng quyến thuộc ở khu vực Thiên Thọ Sơn.
Khu lăng tẩm được chia làm ba khu vực, phần chính giữa là khu lăng mộ của nhà vua và Thừa Thiên Cao Hoàng hậu. Qua khỏi sân chầu với các hàng tượng đá uy nghiêm và 7 cấp sân tế là Bửu Thành ở đỉnh đồi. Bên trong Bửu Thành có hai ngôi mộ đá, dạng thạch thất, được song táng theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức” – một hình ảnh đẹp của hạnh phúc và thủy chung. Bên phải khu lăng mộ là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành là trung tâm. Điện Minh Thành được dùng để thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất. Minh Thành nghĩa là “sự hoàn thiện rực rỡ”. Bên trái khu lăng là Bi Đình, nay chỉ còn một tấm bia lớn ghi bài văn bia “Thánh đức thần công” của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha, được chạm khắc tinh tế và sắc xảo.
Nếu men theo các lối đi giữa những đám cỏ và hoa rừng để sang thăm các lăng phụ cận, chúng ta sẽ cảm nhận được mình đang đi dưới bóng thông tươi mát. Và trong khu vực lăng tẩm này có lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, nằm trong một vị thế u tịch mà sâu lắng. Ở đây có điện Gia Thành, một công trình kiến trúc được xây dựng theo mô thức của điện Minh Thành, dùng để thờ người phụ nữ đã sinh ra vị vua có tài nhất của triều Nguyễn – vua Minh Mạng.
Lăng Gia Long có thể xem là một khu lăng tẩm hoành tráng mà đơn giản, đơn giản như chính cuộc đời của một võ tướng. Mật độ kiến trúc tương đối thưa. Các công trình được trải ra theo chiều ngang. Núi đồi xung quanh dăng ra như một vòng thành thiên nhiên bao bọc. Khu lăng mộ là hai nấm mồ bằng đá có cùng khuôn khổ, có cùng kích thước nằm song song và chỉ cách nhau một gang tay trong chốn hoang liêu tĩnh mịch mà uy nghiêm.
Tai nạn bất ngờToàn bộ khu lăng là một quần sơn với 42 đồi núi lớn nhỏ và mỗi ngọn núi đều được nhà vua cho một tên gọi riêng, trong đó Đại Thiên Thọ là ngọn lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và được dùng để gọi tên chung cho cả quần sơn này: Thiên Thọ Sơn. Tất cả đều được quy hoạch trong khu vực rộng hơn 28 km2, tạo thành một cảnh quan hùng tráng chạy dài từ chân dãy Trường Sơn đến bờ Tả Trạch – một hợp lưu của Hương Giang.
Khi xây dựng lăng mộ, đích thân vua Gia Long đã thám sát, duyệt định vị trí, quy hoạch và chỉ đạo công tác thiết kế cũng như giám sát tiến độ thi công. Chính vì quá sâu sát với công trình xây cất “ngôi nhà vĩnh cửu” của mình mà có lần suýt nữa, vua Gia Long đã thiệt mạng trong một tai nạn ở công trường. Chuyện kể lại rằng, một hôm có trận gió lốc đi qua làm sập ngôi nhà mà vua đang trú ngụ, mặc dù nhà vua tuy đã ẩn trong một cái hố nhưng vẫn bị thương. Hai hoàng tử thứ bảy và thứ tám là Tấn và Phổ bị trọng thương, nhiều người khác bị chết. Sau vụ việc này, vua Gia Long không trừng phạt các quan lại thi công, ngược lại đã cấp thuốc men để chạy chữa cho họ, cấp phát 500 quan tiền và 500 tiêu chuẩn gạo cho dân làng Đình Môn, gần nơi xây dựng lăng.
Trong khoảnh khắc của chiều tà, ta có thể ngắm cảnh hoàng hôn đang đến từ phía bên kia các hồ nước. Lấp lánh trong nắng vàng là những bóng thông xào xạc, vi vu đang soi bóng xuống mặt hồ gợn sóng. Chính lúc ấy, ta mới cảm nhận hết vẻ đẹp hùng tráng và kỳ vĩ của khu lăng.
Lăng Gia Long là một bức tranh trác tuyệt về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc, trong đó thiên nhiên là yếu tố chính tạo nên nét hùng vĩ của cảnh quan. Đến đây ta có thể thả mình trong một không gian tĩnh lặng, nhưng đầy chất thơ để suy ngẫm về những thành bại của cuộc đời, cũng như vinh nhục của ông vua đầu tiên làm nên một triều đại.
Theo Xuân Vinh (Đại Đoàn Kết)
Bài viết liên quan: