Theo tín ngưỡng dân gian Nam Bộ thì cô hồn là những người chết oan, chết trẻ, những người chết bất đắc kỳ tử, chết do tác động của những nghiệp xấu… những người này không được đầu thai trở về một kiếp khác mà linh hồn họ cứ vất vưởng nơi trần gian không được siêu thoát, khác với những người chết già, chết bình thường, sau khi qua đời được chuyển kiếp, đầu thai thành kiếp khác.“Cô hồn: cái hồn cô đơn, không có ai đơm cúng”. Như vậy, cô hồn còn là những linh hồn của người chết nhưng không được ai thờ cúng. Chính vì không được cúng kiếng nên họ đói, hay phá phách người trần, bằng cách làm cho người trần gian phải ốm liệt giường, không dậy được, thuốc thang cũng không khỏi; chỉ khi nào xem ngày cúng quảy cho họ thì người trần gian mới được tai qua nạn khỏi. Tìm hiểu về tín ngưỡng dân gian Việt Nam, các nhà nghiên cứu nhận định, “Trong thế giới các vong hồn, còn có những hồn ma chết xấu (do mũi tên hòn đạn, ngã núi, hổ vồ, chết trôi sông, chết không mồ mả…) lang thang đây đó, không nơi nương tựa, gọi là cô hồn. Các cô hồn thường đói khát, thiếu thốn hại người, gia súc gia cầm, rình rập các lễ cúng để kiếm miếng ăn, được gọi là ma đói. Không chỉ có các hồn ấy nghiễm nhiên thành ma đói, ma dữ. Vong hồn có gia đình, người thân còn sống nhưng không được ai quan tâm cúng lễ cũng trở thành ma đói”.
Ở phía trung và bắc bộ bàn thờ cúng cô hồn thường được đặt ở các bến sông, ngã ba, những nơi hay xảy ra tai nạn để cúng những vong hồn không may bị thiệt mạng do tai nạn hay chết đuối. Hoặc ở trong khuôn viên nhà thờ họ để cúng những cô hồn trong dòng họ gia tộc.
Một số mẫu bàn thờ cúng cô hồn hay miếu thờ cô hồn được làm bằng đá khối:
Một số nơi, dân gian Nam Bộ còn tin rằng các cô hồn này nếu muốn được đầu thai thì họ phải bắt đủ một trăm mạng người thế vào chỗ của mình. Đó là lý do một bộ phận dân Nam Bộ rất sợ cô hồn và thường xuyên cúng bái. Vì cô hồn được coi là một dạng ma quỷ nên người ta không thờ cúng trong nhà. Người ta thường làm một cái miếu nhỏ để thờ cô hồn. Cái miếu nhỏ này hoặc được đặt ở ngã ba sông để cúng cô hồn là những người chết đuối, hoặc được đặt ở ngã ba đường để cúng những người chết vì tai nạn giao thông. Đôi khi xem phong thủy thấy miếu cô hồn còn được đặt trong khuôn viên của một ngôi đình để cho Thành hoàng quản thúc và hưởng lộc cúng của con người.
Miếu cô hồn rất đơn sơ, được làm bằng mái lá vách đất hoặc cũng có khi được xây bằng xi măng nhưng thường rất nhỏ, trong đó có bài vị là một tấm giấy đỏ dán vào vách trên đó có hai chữ cô hồn được viết bằng chữ Hán, một lư hương, một lọ hoa và ba chung nước. Ngày nay một số nơi được người dân làm bằng đá tự nhiên để thờ. Mỗi buổi chiều, dân làng gần đó đến miếu cô hồn để thắp nhang van vái cho xóm làng được bình yên. Vào ngày cúng cô hồn, ngày 2 và 16 âm lịch mỗi tháng, người ta đem lễ vật đến miếu cô hồn để sắp mâm cúng cô hồn. Mâm cúng cô hồn đơn giản tương xứng với tầm vóc của ngôi miếu. Đôi khi đó chỉ là một gói bánh, hoặc vài ba trái hoa quả là xong. Nếu được đặt ở đình, lễ vật cúng cô hồn hàng tháng cũng được phối hưởng trong những dịp kỳ yên; còn ngày thường thì đã có thủ từ đốt nhang, vả lại đã có Thành hoàng quản thúc nên không sợ cô hồn ra ngoài quấy phá dân làng.
Miếu cô hồn không phải để thờ cụ thể một người nào. Đối tượng được thờ thường là vô danh và qua nhiều giai đoạn thời gian khác nhau. Thông thường, ở con đường hay khúc sông nào thường xuyên xảy ra tai nạn, có tính chất lặp lại nhiều lần thì người ta mới lập miếu thờ. Vì người ta cho rằng, do người chết trước đó không được đầu thai, trở nên cô đơn, vất vưởng nên mới bắt người, làm người chết thường xuyên. Cô hồn còn có dạng là một hố chôn tập thể như trong chiến tranh, hay xây dựng một công trình nào mà tốn hao xương máu nhiều người, hoặc có khi đó là những kẻ hậu sinh cúng tế anh linh của những tiền bối vào Nam khai khẩn. Lúc bấy giờ, sơn lam chướng khí còn nhiều, ao tù nước đọng, muỗi mòng rắn rết khắp nơi là mầm mống gây bệnh cho con người, trong khi đó điều kiện y tế lại chưa phát triển, những bệnh thông thường của ngày nay trước kia cũng có thể gây tử vong cho con người. Chẳng những vậy, có những bệnh còn lây truyền nhiễm cho nhiều người, dẫn đến những trận dịch lớn làm chết nhiều người. Do vậy, con người của thời buổi ấy cảm thấy bất lực trước hoàn cảnh đương thời, họ cho rằng những bệnh tật đó là do ma quỷ, do những người khuất mặt khuất mày gây ra nên họ mới làm lễ cúng cầu xin các vị ấy để mong được cuộc sống bình an cho gia đình mình, cho làng xóm mình. Văn tế cô hồn làng Mỹ Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp còn lưu lại đến ngày nay là một ví dụ điển hình. Đây là bài văn tế do dân làng Mỹ Trà dùng để cúng tế vong hồn của những người buổi đầu vào khai khẩn vùng đất hoang Nam Bộ. Được cúng tế là những người đã bỏ máu xương mình để tạo lập cho hậu thế vùng đất màu mỡ như ngày nay. Những người đến cư ngụ sau này được thừa hưởng công sức của tổ tiên nên họ mang nặng trong lòng ân đức đó mới đặt ra văn tế. Nội dung bài văn tế như sau:
Hỡi ôi! Quê hương đâu tá, tên họ là chi, oan khốc thay mấy kẻ số hèn, phách quế mơ màng cơn nước lửa, ác nghiệp bấy những người mạng bạc, hồn mai ngầy ngật lúc binh đao, kìa mấy kiếp ngậm van, sa xuống đất nọ ngàn đời nuốt thảm. Canh Thìn trước e dè cơn gió dữ, dưới suối vàng biết mấy muôn mạng thiệt thòi. Giáp Tuất trước chan chứa buổi mưa sầu, trong cung nước biết bao hồn oan khốc. Đã thương kẻ thịt xương chôn bụng sấu, lại đau người hồn phách gởi răng hùm, dật dờ nội cỏ ngàn dâu, trải ngày tháng nào ai điếu tế. Ngơ ngẩn chân trời mặt bể, dầu sớm trưa ít kẻ quảy đơm. Cửa nhà nhờ hoa cỏ ngụ nương, cơm nước cậy gió mưa lần lựa.
Ôi! Tay lưới luân hồi, giăng triêu cuốn tịch. Trái cân tạo hóa lọc tử lừa sanh, cầm ve thét tiếng thê bi, ca dế dạo cung ly biệt. Tai mắt cũng loài người, nên tưởng đến, dễ xui tín chủ động lòng thương. Chẩn tế này hương đốt thấu cùng chăng, khuyên với cô hồn soi lễ bạc.
Hỡi ôi! Thương thay! Thượng hưởng !.
Một biến thể khác của tục cúng cô hồn là cúng tam tai. Theo đó thì những người bị xui rủi, những người ốm đau bệnh tật mà thuốc thang không hết thì người ta cho là bị âm binh quở, bị cô hồn phá vì vậy phải cúng để giải nạn. Việc cúng này có thể do chính tay người bị xui rủi, bệnh tật cúng hoặc cũng có thể nhờ người thân của mình cúng. Cúng tam tai có hai dạng: cúng trên bờ và cúng dưới nước. Cũng trên bờ phần lớn là dành cho những người ở thành thị. Giờ cúng thường là buổi tối. Địa điểm cúng cần xem phong thủy và nhất định phải là ngã ba, ngã tư đường. Thức cúng gồm có trái trứng vịt luộc, miếng thịt luộc và con tôm luộc, gọi là tam sanh, đôi khi có thêm một ít tiền lẻ, giấy tiền vàng bạc và ba cây nhang. Khi định giờ cúng xong, người ta đến địa điểm đã được khảo sát, sau đó bày thức cúng lên một tàu lá chuối, rồi thắp nhang, khấn vái, cầu mong tai qua nạn khỏi, rồi lấy những đồng tiền lẻ rải xung quanh; xem như bỏ đi những điều xui xẻo, rồi ra về, không được đem bất cứ thứ gì về, nếu không sẽ không có tác dụng. Cúng tam tai là dịp tốt cho trẻ con ở xóm, chúng canh từng phút, từng giây ở buổi cúng, đợi đến khi cúng xong chúng chạy đến tranh lượm thức ăn và giành nhau những đồng bạc lẻ. Người lớn thường quan niệm những đồng tiền này là đồng tiền xui nên chẳng ai dám lượm, ai cũng sợ rước xui xẻo, bệnh tật về nhà. Duy chỉ trẻ con là không sợ. Trẻ con mặc nhiên được ma quỷ, thần thánh xem là trẻ chăn trâu, mà trẻ chăn trâu là con cháu của Thần Nông ma quỷ nào dám bắt.
Ở nông thôn, cúng tam tai thường có bè chuối thả trôi sông. Cúng ở gia đình, bè chuối thường làm rất nhỏ. Người ta lấy thân của cây chuối chặt ra, ghép lại thành chiếc bè, trên đó có trang trí cờ, hoa như bè thật. Trên bè có bộ tam sanh và ít đồng bạc lẻ. Chiếc bè được đặt cạnh bờ sông, sau khi các nghi thức cúng vái xong thì người ta thả bè xuống nước. Bè trôi càng nhanh, càng xa thì người bệnh mau hết bệnh. Chiếc bè như là một phương tiện chuyên chở bao điều xui xẻo, bệnh tật mà người ta tống khứ lên nó. Vì vậy, hễ dòng nước đưa chiếc bè này tắp vào bờ cầu nhà ai thì người ta lập tức phát nước cho nó trôi đi nơi khác. Ai cũng sợ bệnh tật và những điều không may sẽ vào nhà mình. Cứ thế nó trôi mãi, trôi mãi cho đến khi nó gặp những đứa trẻ tắm sông kéo nó vào lấy thức ăn và tiền trên đó.
Nếu cúng với qui mô lớn, ở phạm vi xóm làng thì người ta sẽ tổ chức ở đình, với sự tham gia của nhiều người hơn. Thông thường, người ta định sẵn một ngày trong năm để làm lễ cúng. Đến ngày cúng, người ta đặt chiếc thuyền cúng ngay giữa sân của cơ sở thờ tự, ngay gian chính điện, mặt hướng ra sân. Chiếc thuyền này được làm rất công phu từ nhiều ngày trước đó. Đáy thuyền là bốn khúc chuối to kết lại như một chiếc bè, trên đó người ta lấy tre trúc đan lại làm khung thuyền, xung quanh thân thuyền được dán bằng giấy màu đủ loại, vừa cho kín đáo vừa cho ra vẻ chiếc thuyền hơn. Trên thuyền còn có hình nhân được làm bằng đất với tư thế đang chèo thuyền, xung quanh thuyền có treo một hàng quần áo được cắt bằng giấy, ngụ ý dùng cho những người nghèo ở cõi âm mặc. Bên hông thuyền có ghi ngày tháng năm cúng, xung quanh thuyền và trên cabin có treo cờ, kết dây, trang trí hoa màu nên trông chiếc thuyền rất đẹp. Kế chiếc thuyền là một bàn hương án được đặt hướng về chính điện của cơ sở thờ tự, với rất nhiều lễ vật được bày biện gọn gàng, ngăn nắp, bao gồm các vật phẩm để cúng như: gà luộc, gạo, muối, bánh, trái cây và mấy lá bùa trừ tà.
Đến giờ hành lễ, những người chịu trách nhiệm trong cuộc lễ đứng trước gian chính điện của cơ sở thờ tự thắp nhang khấn vái các vị thần, sau đó đến lượt đoàn lân múa ra mắt thần; một dạng múa trình lễ. Xong đâu đó, người chỉ huy cuộc lễ ra lệnh khiêng thuyền đi, lập tức bốn thanh niên vào cuộc, mỗi người một góc nâng thuyền lên đưa ra cửa cơ sở thờ tự. Ngoài cửa đã được bố trí sẵn xe, người ta bắt đầu đặt chiếc thuyền này lên xe đó, cuộc tuần hành qua các khu phố bắt đầu. Đi đầu là người chỉ huy cuộc lễ, kế đến là đoàn lân vừa đi vừa múa, sau đó là thuyền cúng, sau cùng là chiếc xe ba gác dùng để đựng các vật phẩm mà cư dân quanh vùng cúng. Trong giờ phút này, cả khu phố nhộn nhịp hẳn lên, hầu như nhà nào cũng đặt một bàn cúng trước nhà mình. Trên bàn cúng gồm có bánh men, gạo, muối và một ít tiền. Cạnh bàn cúng là một cái bếp cà ràng đỏ rực than, được gia chủ cho vài nắm muối hột vào. Tiếng muối nổ đôm đốp khắp hang cùng ngõ hẻm, khói trong lò than bay nghi ngút, người xem đông như trẩy hội, tiếng trống, tiếng chiêng vang dội càng thôi thúc thêm nhiều người đến xem. Đoàn xe có nhiệm vụ đi khắp khu phố, đến những nhà có đặt bàn thờ cúng để lấy tiền, lấy gạo, muối… Xong tất cả, đoàn quay trở lại cơ sở thờ tự làm lễ cáo yết thánh thần để chuẩn bị cho cuộc hạ thủy con thuyền.
Đến giờ đã định, người ta lại đưa con thuyền trở ra sân, khiêng xuống bờ sông, đặt lên một chiếc ghe, chạy đến ngã ba sông, sau đó để vào con thuyền một ít tiền lẻ, bánh, gạo, muối, thịt heo hoặc gà, vài lá bùa rồi thả nó ra giữa dòng nước, để nó đem theo những điều xui rủi, tai ương của xóm làng, khu phố về một nơi vô định nào đó. Sau đó, mọi người quay về, xem như buổi lễ đã xong. Số gạo muối mà đoàn thu thập được trên đường có lúc lên đến vài xe ba gác. Số đó được chia cho những người tham gia cuộc lễ và dùng để phân phát cho người nghèo. Kể từ hôm đó, người ta tin rằng, mình đã tống khứ được mọi điều xui rủi, xua đi những ôn hoàng dịch lệ để bắt đầu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ngày xưa, người dẫn đầu đoàn không phải là ông lân như bây giờ, mà thay vào đó là một người vẽ mặt vằn vện, ăn mặc như thầy pháp để dọc đường trấn giữ tà ma, diệt trừ quỷ dữ.
Tục cúng cô hồn ở Nam Bộ đã có từ lâu đời, theo bước chân của những đoàn quân Nam tiến. Tục lệ này giúp người ta có niềm tin vững chắc trong đời sống tâm linh của mình, từ đó có thêm sức mạnh tinh thần để mà vui sống, thể hiện nét đẹp nhân văn trong đời sống văn hóa của cư dân vùng này. Đồng thời nó cũng có tác dụng khuyến thiện trừ ác. Cho nên, những ai sống không tốt với xóm làng, lưu manh, ngang ngược… người đời sẽ gọi họ là đồ cô hồn sống, những thứ âm binh.
Bài viết liên quan: